Điều kiện, thủ tục góp vốn bằng nhà ở, cách định giá, nội dung mẫu hợp đồng góp vốn chi tiết kèm mẫu.
Góp vốn bằng nhà ở là gì?
Hiện nay, các tổ chức hoặc cá nhân có hể góp vốn vào công ty bằng các loại hình tài sản khác nhau, trong đó có nhà ở. Thành viên góp vốn sẽ phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở cho công ty tại cơ quan có thẩm quyền theo Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014, khi làm thủ tục sẽ không chịu lệ phí trước bạ.
Hợp đồng sẽ chấp dứt nếu gặp một trong các trường hợp:
– Hợp đồng hết thời hạn
– Một bên hoặc các bên muốn kết thúc theo thỏa thuận trong hợp đồng
– Bên góp vốn hoặc doanh nghiệp liên doanh bị phá sản, giải thể
– Cá nhân góp vốn gặp một trong các trường hợp sau: bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới hợp đồng nếu cá nhân đó thực hiện
– Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động và hợp đồng do pháp nhân thực hiện
Xem thêm: Luật cầm sổ đỏ nên biết, mượn sổ đỏ đi cầm được không?
Điều kiện góp vốn bằng nhà ở
Theo Luật nhà ở 2014, nhà dùng để làm hợp đồng góp vốn bằng nhà ở phải là nhà có sẵn, không phải hình thành trong tương lai và đáp ứng các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
– Không có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu đối với trường hợp sở hữu nhà có thời hạn;
– Không bị kê biên thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền;
– Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở.
– Nếu góp vốn bằng nhà thuộc sở hữu chung cần có sự đồng ý của các chủ sở hữu chung cùng ký vào hợp đồng góp vốn hoặc có văn bản cử người đại diện ký hợp đồng.
– Nếu góp vốn bằng nhà ở cho thuê, cần thông báo cho bên thuê biết và họ vẫn tiếp tục được thuê nhà cho đến hết hạn hợp đồng hoặc có thỏa thuận khác.
Cách định giá nhà ở góp vốn
Có hai cách để định giá gồm:
– Những người sáng lập định giá theo thỏa thuận.
– Thuê cơ quan thẩm định giá để xác định giá trị nhà ở và đều được phần lớn các thành viên cổ đông đồng ý.
Cách làm hợp đồng góp vốn bằng nhà ở
Hợp đồng được lập thành văn bản gồm các nội dung chính sau đây:
– Họ và tên của cá nhân, tên tổ chức cùng địa chỉ các bên;
– Nêu đặc điểm của ngôi nhà góp vốn và thửa đất gắn với ngôi nhà đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
– Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
– Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
– Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Cam kết của các bên;
– Các thỏa thuận khác;
– Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
– Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
– Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Nếu góp vốn bằng nhà ở với một bên là tổ chức thì hợp đồng không cần công chứng, chỉ khi giữa các cá nhân với nhau thì buộc phải công chứng. Nhưng tốt nhất nên công chứng hợp đồng để phòng trừ rủi ro sau này.
Download tải mẫu hợp đồng góp vốn bằng nhà ở tại đây.
Thủ tục góp vốn bằng nhà ở
Soạn thảo hồ sơ
– Cá nhân, tổ chức góp vốn không kinh doanh:
- Biên bản chứng nhận góp vốn;
- Biên bản giao nhận tài sản;
- Hợp đồng góp vốn.
– Cá nhân, tổ chức góp vốn có kinh doanh
- Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh;
- Hợp đồng liên doanh liên kết;
- Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá tài sản của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật);
- Hồ sơ về nguồn gốc tài sản;
- Hợp đồng góp vốn.
Chuyển quyền sở hữu nhà ở
Không cần làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp nếu nhà ở sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Thủ tục thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi có đất.
Hồ sơ gồm:
– Hợp đồng góp vốn;
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
– CMND/Căn cước công dân/Hộ chiếu của các bên;
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có).
Trên đây là thông tin điều kiện, thủ tục góp vốn bằng nhà ở cùng mẫu hợp đồng để bạn tham khảo. Xem thêm các tin về luật đất đai mới nhất cập nhật đầy đủ trên yeshouse.com.vn.
Thảo Trần
Bạn có thể theo dõi Yeshouse trên Facebook để cập nhật bài viết mới nhất.