Các nội dung trong quy hoạch huyện Cần Giờ bao gồm: phát triển không gian đô thị – cảnh quan và giao thông của huyện Cần Giờ trong giai đoạn 2021 – 2030.
Cần Giờ là một huyện ngoại thành ven biển, nằm về phía Đông Nam của Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Đường bộ quan trọng nhất của huyện là đường Rừng Sác chạy từ Tây Bắc tới Đông Nam huyện.
1. Quy mô của Quy hoạch
Trước khi tìm hiểu các nội dung tiếp theo của quy hoạch này, chúng ta cùng nói nhanh qua quy mô của nó để có cái nhìn bao quát về huyện Cần Giờ.
Quy mô của quy hoạch này là bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện, gồm 1 thị trấn Cần Thạnh và 6 xã (Thạnh An, An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp), có diện tích 704,45 km2, dân số là 71.526 người (năm 2019), mật độ dân số đạt 102 người/km2. Và phạm vi được giới hạn bởi:
- Phía Đông giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với ranh giới tự nhiên là sông Thị Vải.
- Phía Tây giáp các tỉnh Long An và Tiền Giang với sông Soài Rạp là ranh giới tự nhiên.
- Phía Nam giáp biển Đông.
- Phía Bắc giáp huyện Nhà Bè (qua sông Soài Rạp); và tỉnh Đồng Nai (qua sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh).
2. Chức năng của Quy hoạch
- Về cơ cấu kinh tế được xác định bao gồm 3 nội dung. Một là, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới kết hợp khai thác du lịch. Hai là, đầu mối hạ tầng kỹ thuật phía Đông Nam thành phố. Và ba là, phát triển thương mại dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp xây dựng.
- Về cơ cấu đất ở: Phát triển các khu dân cư nông thôn, khu dân cư hiện hữu và khu đô thị mới đồng bộ với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
- Xác định Cần Giờ là trung tâm công trình công cộng về y tế, văn hóa, du lịch, giải trí; kết hợp phát triển nông nghiệp sinh thái và khai thác du lịch.
Xem thêm: Điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giuộc (Long An) năm 2021
3. Nội dung của Quy hoạch
3.1. Quy hoạch không gian đô thị – cảnh quan
3.1.1. Bố cục mặt bằng
Bố cục không gian toàn huyện Cần Giờ được định hướng theo nội dung quy hoạch như sau:
- Cụm I: KĐT xã Bình Khánh là khu đô thị kết hợp cải tạo và xây dựng mới. Cụ thể bao gồm các khu chức năng như khu dân cư xây dựng mới, dân cư hiện hữu cải tạo; khu dịch vụ thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, công viên cây xanh…Mật độ xây dựng toàn khu 30 – 45%, tầng cao xây dựng 2 – 5 tầng, hệ số sử dụng đất < 2.
- Cụm II: KĐT xã An Thới Đông có mật độ xây dựng toàn khu 30 – 35%, tầng cao là 2 – 5 tầng; hệ số sử dụng đất dưới 1,5.
- Cụm III: KĐT Cần Thạnh – Long Hòa bao gồm Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với tổng diện tích là 821 ha. Mật độ xây dựng toàn khu 30 – 45%, tầng cao xây dựng 1 – 5 tầng.
3.1.2. Tổ chức không gian đô thị – cảnh quan
Quy hoạch khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn là khu vực cấm phát triển đô thị và cấm xây dựng, chỉ dành cho chức năng du lịch và nghiên cứu. Các công trình xây dựng trong khu vực này chủ yếu phục vụ cho du lịch, tham quan; kết hợp phát triển không gian xanh với mật độ thấp. Ưu tiên sử dụng vật liệu tự nhiên nhằm hạn chế đến thấp nhất tác động đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên.
Dải cây xanh cách ly dọc biển nằm tại Khu đô thị lấn biển thị trấn Cần Giờ và một phần xã Long Hòa. Khoảng cách hành lang an toàn bờ biển được xác định là lớn hơn 25m.
Mật độ xây dựng trong khu vực bờ biển được quy hoạch ở mức thấp để dành quỹ đất cây xanh xen cài vào khu dân cư nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Dải cây xanh dọc theo sông rạch được quy hoạch tùy vào chiều rộng sông, rạch. Quy định các khoảng lùi tính từ bờ sông, rạch nhằm tạo mảng xanh và không gian mở; đảm bảo theo Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 09 tháng 6 năm 2004 của UBND thành phố về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch thuộc địa bàn quản lý.
3.2. Quy hoạch giao thông
3.2.1. Giao thông đường bộ đối ngoại
Theo nội dung quy hoạch huyện Cần Giờ giai đoạn 2021 – 2030, đường bộ đối ngoại sẽ phát triển theo hướng Bắc – Nam. Đồng thời, sẽ ưu tiên phát triển các tuyến chính sau:
- Đường Rừng Sác: theo hướng Bắc Nam, đi qua các khu chức năng chính của huyện nối kết đường cao tốc liên vùng phía Nam với KĐT Long Hòa – Cần Thạnh và khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Tuyến đường có lộ giới 120m (đoạn phía Bắc) và 60m (đoạn phía Nam). Đoạn phía trước phà Bình Khánh lộ giới 30m. Đây là đường trục chính đảm bảo cân bằng chức năng giao thông, không gian đô thị và kết nối mạng lưới giao thông liên khu vực với các Cụm đô thị trên địa bàn huyện.
- Đường Duyên Hải lộ giới 30 – 40m.
- Đường Thạnh Thới lộ giới 40m, là trục động lực phát triển thương mại dịch vụ của huyện Cần Giờ.
- Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành thực hiện theo dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 10 năm 2010.
3.2.2. Giao thông đường bộ đối nội
Đối với các đường hiện hữu: tiếp tục thực hiện cải tạo, nâng cấp mở rộng lộ giới đường theo quy hoạch được duyệt; đảm bảo khai thác hiệu quả tối đa về chức năng giao thông và đạt chỉ tiêu tỷ lệ, mật độ giao thông theo quy định.
Đối các đường dự phóng: thực hiện quản lý chặt chẽ, tiếp tục đầu tư xây dựng. Hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị nhằm đảm bảo khai thác giao thông hiệu quả.
3.2.3. Giao thông đường thủy
Các tuyến sông, rạch trên địa bàn huyện Cần Giờ có chức năng giao thông thủy và phân cấp hạng kỹ thuật thực hiện theo Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2009 của UBND thành phố về duyệt Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Đồng thời cần đảm bảo hành lang bảo vệ sông, rạch theo Quyết định số 150/2004/QĐ-UB ngày 09 tháng 6 năm 2004 củaUBND thành phố.
3.2.4. Hệ thống bến phà và bến bãi xe
Xây dựng bến phà chính phục vụ giao thông thủy như phà Cần Thạnh đi Vũng Tàu, phà Bình Khánh 1 đi Phú Xuân – Nhà Bè, phà Bình Khánh 2 đi Hiệp Phước – Nhà Bè, phà Bình Khánh 3 đi Nhơn Trạch – Đồng Nai, phà Lý Nhơn, phà An Thới Đông đi Cần Giuộc – Long An, phà Thạnh An. Xây dựng mới cảng khách Cần Giờ tại xã Long Hòa.
Song song đó là quy hoạch diện tích đất bến bãi huyện Cần Giờ là 31,1 ha, bao gồm:
- Bến phà và sân bãi: 10,5 ha;
- Bến, bãi xe: 20,8 ha, gồm bãi xe Cần Thạnh (thuộc khu lấn biển) quy mô 8 ha; bãi đậu xe Bình Khánh quy mô 5 ha; cảng khách Cần Giờ quy mô 7 ha; bến xe buýt Cần Giờ quy mô 0,8 ha.
Cùng với đó là quy hoạch các nút giao thông chính với ưu tiên nghiên cứu giải pháp tổ chức giao thông khác mức giữa đường Rừng Sác với với đường cao tốc liên vùng phía Nam và các tuyến đường giao thông chính khu vực, đảm bảo khai thác hiệu quả tối đa chức năng giao thông đường Rừng Sác.
Trên đây là toàn bộ nội dung quy hoạch huyện Cần Giờ giai đoạn 2021 – 2030. Yeshouse hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Để cập nhật sớm nhất các bài viết, bạn đọc có thể theo dõi Yeshouse trên Facebook.
Dành cho bạn: Bản đồ quy hoạch huyện Đức Hòa đến năm 2030