UBND TP.HCM đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu TP.HCM rộng 930 ha với tỷ lệ 1/2000. Theo đó, Khu trung tâm được phân thành 5 phân khu là (1) Khu lõi Trung tâm Thương mại, tài chính; (2) Khu Trung tâm Văn hóa, lịch sử; (3) Khu bờ Tây sông Sài Gòn; (4) Khu thấp tầng và (5) Khu lân cận lõi trung tâm.
Vị trí, diện tích và phạm vi ranh giới khu vực quy hoạch
Theo nội dung quy hoạch, khu trung tâm hiện hữu TP.HCM bao gồm một phần các quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh. Vị trí ranh giới quy hoạch:
- Phía Bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh – rạch Thị Nghè.
- Phía Tây giáp các đường Lê Văn Duyệt – Võ Thị Sáu – CMT8.
- Phía Nam giáp các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Hoàng Diệu – Nguyễn Tất Thành và cầu Ông Lãnh.
- Phía Đồng giáp sông Sài Gòn.
Quy mô của khu trung tâm được quy hoạch với diện tích khoảng 930 ha; dân số dự kiến đến năm 2025 là 270.000 người, bao gồm các quận, phường sau đây:
- Quận 1: Các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần phường Cầu Ông Lãnh và một phần phường Đa Kao.
- Quận 3: Phường Võ Thị Sáu và một phần phường 7.
- Quận 4: Các phường 9, 12, 13 và 18.
- Quận Bình Thạnh: Một phần các phường 19 và 22.
Các phân khu chức năng của khu trung tâm
Việc phân khu chức năng phải phù hợp với đồ án quy hoạch của các quận 1, quận 3, quận 4 và quận Bình Thành đã duyệt.
Theo đó, Khu trung tâm TP.HCM được quy hoạch phân chia thành các vùng đặc thù với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng quy hoạch; và giải pháp phát triển cải tạo đô thị.
Phân khu 1: Khu lõi Trung tâm Thương mại Tài chính – BCD
Đây là khu vực tập trung các công trình có chức năng Thương mại – Tài chính của thành phố. Đây cũng là khu lõi trung tâm kinh doanh thương mại; phát triển với chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch và hành chính, dịch vụ công cộng.
Toàn bộ nằm trong ranh giới quận 1, có diện tích khoảng 92,3 ha; được giới hạn bởi các tuyến Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Yersin, Trần Hưng Đạo và Hàm Nghi.
Đây là phân khu phát triển bậc nhất của khu trung tâm theo quy hoạch và của cả TP.HCM.
Phân khu 2: Khu Trung tâm Văn hóa – Lịch sử
Là khu vực tập trung các công trình có chức năng Văn hóa – Lịch sử, là trục trung tâm văn hóa lịch sử, quanh trục đường Lê Duẩn; phát triển với chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục.
Toàn bộ phân khu nằm trong ranh giới quận 1; được giới hạn bởi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cống Quỳnh, Lê Lai, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Hữu Cảnh; có diện tích khoảng 212,2 ha.
Phân khu 3: Khu bờ Tây sông Sài Gòn
Là khu vực phát triển mới đa chức năng, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận; thuộc một phần quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4.
Phân khu được giới hạn bởi các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường dẫn cầu Sài Gòn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành và kênh Tẻ, sông Sài Gòn; có diện tích khoảng 274.8 ha.
Phân khu 4: Khu thấp tầng
Là khu dân cư hiện hữu, khu vực có nhiều công trình nhà biệt thự từ thời Pháp; phát triển với chức năng khu dân cư, văn hóa, giáo dục và thương mại thấp tầng thuộc một phần quận 1 và quận 3.
Phân khu được giới hạn bởi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và các tuyến đường Hoàng Sa, Lê Văn Duyệt, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai; có diện tích khoảng 232,3 ha.
Phân khu 5: Khu lân cận lõi trung tâm
Là khu vực kế cận phân khu 1 về phía Nam, phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ khu Trung tâm Thương mại – Tài chính, thuộc một phần quận 1 và quận 4.
Phân khu được giới hạn bởi các tuyến đường Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Yersin, Phạm Ngũ Lão, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu, Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng; có diện tích khoảng 117,5 ha.
Quy hoạch hệ thống giao thông
Tuyến UMRT và hệ thống giao thông cộng
Cũng theo nội dung quy hoạch khu trung tâm TP.HCM, tại phân khu 1 có tổng cộng 7 nhà ga đường sắt đô thị thuộc nhóm UMRT (đường sắt vận chuyển khối lượng lớn) ngầm sẽ được xây dựng; gồm 2 nhà ga của tuyến số 1, 2 nhà ga của tuyến số 2, 2 nhà ga của tuyến số 3A và 1 nhà ga của tuyến số 4. Nhà ga Bến Thành là nơi gặp nhau của các tuyến số 1, 2, 3A và 4.
Tuyến UMRT số 1 còn gọi là tuyến Bến Thành – Suối Tiên (hay tuyến Sài Gòn), dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào năm 2022. Tuyến UMRT số 2 còn gọi là tuyến Bà Quẹo; giai đoạn 1 của tuyến này thuộc đoạn Bến Thành – Tham Lương, dài 11,2 km.
Tuyến BRT (xe buýt nhanh) sẽ được bố trí trên đường Hàm Nghi, chạy từ Khu bờ Tây sông Sài Gòn thuộc quận 4. Như vậy, trước chợ Bến Thành, bên cạnh nhà ga xe buýt hiện hữu; sẽ có các nhà ga UMRT và BRT, tạo thành một khu vực ga giao thông công cộng quan trọng nhất của Phân khu 1 cũng như của TP.HCM.
Tại phân khu 2 sẽ có 3 tuyến UMRT là các tuyến số 3 và số 4. Phân khu 3 có 2 nhà ga UMRT cho các tuyến số 1 và 5. Phân khu 4 có các tuyến UMRT số 2, 3 và 4. Riêng tại phân khu 3 sẽ có thêm các tuyến thuộc nhóm LRT (vận tải đường sắt hạng nhẹ) và BRT.
Mạng lưới đường đi bộ
Theo nội dung quy hoạch, khu trung tâm TP.HCM sẽ hình thành nhiều tuyến đi bộ khác nhau. Cụ thể:
- Chuyển đổi đường Lê Lợi thành phố buôn bán bộ hành (hạn chế xe hơi và xe gắn máy, cho phép phương tiện công cộng lưu thông).
- Vòng xoay trước chợ Bến Thành cũng được chuyển đổi thành phố đi bộ (quảng trường đi bộ).
- Đường Tôn Đức Thắng, đường Hàm Nghi và một phần đường Huỳnh Thúc Kháng sẽ là phố đi bộ, trong đó chỉ cho phép xe ôtô/xe máy phục vụ các công trình thuộc tuyến ra vào.
Trên đây là toàn bộ nội dung quy hoạch Khu trung tâm TP.HCM với tỷ lệ 1/2000 – rộng 930 ha. Yeshouse hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Nếu quan tâm các bài viết liên quan, bạn đọc có thể theo dõi Yeshouse trên Facebook để cập nhật sớm nhất các bài viết.
Xem thêm: Đồ án quy hoạch quận 11 (TP.HCM) tỷ lệ 1/5000 đến năm 2025